Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn về hoạt động trợ giúp pháp lý
 Thứ hai, 24 Tháng 9 2018 14:01 - 1159 Lượt xem
In

Ngày 28/8/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Với 19 Điều được chia thành 04 Chương, Thông tư 12/2018 quy định một số nội dung trọng tâm sau:
Về nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý: Thông tư quy định, thời gian tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý tối thiểu là 08 giờ/năm và các nội dung tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc cho Trợ giúp viên pháp lý bao gồm: kiến thức pháp luật cần thiết cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý; các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý; quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp: được cử đi học hoặc nghỉ ốm từ 6 tháng trở lên; được cử biệt phái đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc thuộc trường hợp nghỉ thai sản thì không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong năm.
Về vấn đề thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý: Thông tư nêu rõ, khi yêu cầu trợ giúp pháp lý đủ điều kiện thụ lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước vào Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Thời điểm thụ lý được tính từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được ghi vào Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh là người được trợ giúp pháp lý: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp, bổ sung các giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường hợp bất khả kháng thì thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu là 10 ngày làm việc, kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý; Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn quy định nêu trên thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện. Việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định cụ thể về yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý; xác định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc; cách lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; các biểu mẫu trong hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2018 và thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 và Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp./.

Tấn Chánh


Tin mới:
Các tin khác: