Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, Quyết định quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm các tiêu chí tiếp cận pháp luật, nội dung xây dựng, thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối tượng áp dụng bao gồm: xã, phường, thị trấn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí tiếp cận pháp luật: có 05 tiêu chí thành phần, 25 chỉ tiêu với tổng số 100 điểm, gồm: Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm); tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm); tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm); tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm) và tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm). Điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải đáp ứng đủ các điều kiện: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 và được thực hiện thông qua quy trình như sau: Công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tự chấm điểm. Căn cứ kết quả tự chấm điểm của công chức cấp xã và kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, công chức Tư pháp – Hộ tịch tổng hợp báo cáo, trình Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có sự tham dự của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trường hợp xét thấy đủ điều kiện, Chủ tịch UBND cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện để thẩm tra; tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Nếu đủ điều kiện, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá và báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Cùng với ban hành Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2017/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 bãi bỏ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở./.
Minh Tâm |