Bộ Tài chính hướng dẫn chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
 Thứ hai, 06 Tháng 3 2017 10:25 - 1211 Lượt xem
In

Để triển đảm bảo hoạt động cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ; ngày 16/01/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Thông tư này quy định một số nội dung chính như sau:
1. Mức chi:
- Chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế:
+ Cán bộ, công chức của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế được huy động thực hiện cưỡng chế, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế: người chủ trì mức 150.000 đồng/ người/ ngày tham gia cưỡng chế, đối tượng khác mức 100.000 đồng/ người/ ngày tham gia cưỡng chế.
+ Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn và các đối tượng khác được người ra quyết định cưỡng chế huy động tham gia cưỡng chế: 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
- Các chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; thuê giữ hoặc bảo quản tài sản kê biên; thù lao cho các chuyên gia tham gia định giá để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật; chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản và chi phí thực tế khác liên quan đến thực hiện cưỡng chế (nếu có) được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí bảo quản tài sản kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành, phù hợp với giá cả trên địa bàn trong cùng thời kỳ và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
2. Tạm ứng chi phí cưỡng chế: Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự trù chi phí cưỡng chế; gửi dự trù chi phí cưỡng chế đã được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế. Trường hợp chưa thu được chi phí của đối tượng bị cưỡng chế, căn cứ dự trù chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí từ dự toán kinh phí của cơ quan người ra quyết định cưỡng chế.
3. Hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế: Chậm nhất 10 ngày từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với mức chi phí để bán đấu giá; hoặc thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ...
Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị chết, mất tích (đối với cá nhân) hoặc bị phá sản, giải thể (đối với tổ chức) mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế và không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định cưỡng chế để kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp về số kinh phí không có khả năng thu hồi.
Trường hợp thu được chi phí cưỡng chế từ tiền bán đấu giá tài sản (theo quy định tại Điều 18, Điều 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP), sau khi đã đảm bảo thực hiện đầy đủ các khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện hoàn trả chi phí cưỡng chế cho cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/3/2017./.

Ly Dung


Tin mới:
Các tin khác: