Khám sức khỏe tiền hôn nhân: nên khuyến khích hay bắt buộc?
 Thứ hai, 18 Tháng 7 2016 08:20 - 1212 Lượt xem
In

Ngày 17/6/2016, tại Hội nghị tổng kết mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân do Bộ Y tế tổ chức, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam, nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.

Thực ra, đề xuất bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân không phải là đề xuất mới, từ lâu nhiều chuyên gia dân số ở Việt Nam đã đề nghị luật hóa quy định này nhưng cho đến nay vấn đề bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào điều chỉnh, Pháp lệnh dân số năm 2003 chỉ mới dừng ở quy định“Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khoẻ trước khi đăng ký kết hôn”.

Hiện nay, câu hỏi có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội, có ý kiến cho rằng nên bắt buộc vì việc làm này sẽ giúp các đôi nam, nữ định hướng tốt cho cuộc sống hôn nhân, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và con cái sau này; có nhiều ý kiến lại cho rằng không nên bắt buộc vì đây là vấn đề liên quan đến quyền con người...

Liên quan đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân, khoa học và thực tiễn đã chứng minh rằng đây là một việc làm rất cần thiết, là một hình thức sàng lọc đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Không chỉ có tác dụng dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này mà còn là cơ hội chuẩn bị sức khỏe cho việc mang thai cũng như hạn chế những rắc rối phát sinh trong quan hệ vợ chồng...

Lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân ai cũng biết như vậy, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi, Nhà nước chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân mà không nên luật hóa quy định này vì những lý do sau:

Thứ nhất, quyền kết hôn là quyền tự nhiên của con người được quy định trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam, quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định do pháp luật của một quốc gia quy định phù hợp với pháp luật quốc tế nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Khoản 1, Điều 16 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền 1948 quy địnhĐến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo”; khoản 2, Điều 23 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 quy địnhQuyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận”. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng quy định “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”, bên cạnh đó Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không có điều, khoản nào quy định việc bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân mới đủ điều kiện đăng ký kết hôn, Nhà nước chỉ cấm kết hôn đối với những trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự; người không đủ độ kết hôn theo quy định là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên...

Thứ hai, mục đích của khám sức khỏe tiền hôn nhân là để các các cặp nam, nữ biết rõ tình trạng sức khỏe của nhau, nếu có bệnh thì tìm biện pháp chữa trị, phòng tránh; tuy nhiên đối với những người mắc những căn bệnh khó nói như: HIV, giang mai, ung thu...họ không muốn người khác, ngoài người bạn đời biết về tình trạng bệnh lý của mình sợ bị xã hội kỳ thị, xa lánh. Do đó, việc phải trình giấy khám sức khỏe cho người có thẩm quyền mới đủ điều kiện kết hôn là một rào cản thật sự, dễ dẫn đến nhiều cặp nam nữ yêu nhau sẽ về sống với nhau như vợ chồng mà không đi đăng ký kết hôn, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về công tác hộ tịch sau này. Thậm chí, họ sẽ “chạy” để mua giấy khám sức khỏe nhằm đủ điều kiện được kết hôn, như thế việc bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành hình thức, không có hiệu quả.

Thứ ba, nếu quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ “sinh” ra một thủ tục hành chính mới gây phiền hà cho người dân, đi ngược lại với tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính theo Nghị Quyết số 30C/NQ-CP ngày 18/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị Quyết số 76/NQ –CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Quyết số 30C/NQ-CP.

Do đó trong thời gian đến, Nhà nước chỉ nên khuyến khích việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và có chính sách khám sức khỏe tổng quát miễn phí cho những bạn trẻ trước khi kết hôn đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền để họ hiểu rõ về lợi ích của việc làm này nhằm đảm bảo cuộc sống hôn nhân sau này được lâu bền và hạnh phúc./.

Lưu Tùng


Tin mới:
Các tin khác: