Chính phủ quy định về thi hành án hành chính
 Thứ sáu, 08 Tháng 7 2016 07:58 - 1345 Lượt xem
In

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (sau đây gọi là Nghị định 71).

Theo đó, thời hạn tự nguyện thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 311, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (thi hành ngay đối với các bản án, quyết định liên quan đến khiếu kiện về lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri và các trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án đối với các bản án, quyết định giải quyết khiếu kiện trong các lĩnh vực khác). Hết thời hạn tự nguyện thi hành án này, cơ quan phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản tình hình, kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Sau khi thi hành xong, phải thông báo kết quả cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp thời hạn 05 ngày làm việc.

Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong sáu hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường về vật chất…

Ngoài các quy định trên, Nghị định 71 cũng quy định cụ thể về việc thi hành án hành chính trong những trường hợp cụ thể, bao gồm: Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện (Điều 15); thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 16); thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc (Điều 17); thi hành bản án, quyết định của Tòa án về hành vi hành chính (Điều 18); thi hành bản án, quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 19).

Nghị định 71 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (01/07/2016), các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án chưa thi hành được tổ chức thi hành theo quy định tại Nghị định này./.

Vĩnh Can


Tin mới:
Các tin khác: