Những điểm mới của Luật Tố tụng hành chính sửa đổi |
Thứ tư, 06 Tháng 1 2016 09:37 - 5589 Lượt xem |
|
|
Trên cơ sở các quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp và những quy định về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), ngày 25/11/2015; tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Chủ tịch nước ký lệnh công bố Luật này vào ngày 08/12/2015.
So với Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2010, Luật TTHC (sửa đổi) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau: Về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử: Luật TTHC (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 như: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật này. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định (Điều 18). Về việc xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính: Nhằm đảm bảo cho Tòa án thực hiện tốt chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, Luật TTHC (sửa đổi) đã bổ sung quy định: trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án. Về người đại diện của người bị kiện trong tố tụng hành chính: khắc phục tình trạng người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thường ủy quyền cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị là người đại diện tham gia tố tụng trong khi họ không nắm rõ hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; Luật TTHC (sửa đổi) đã bổ sung quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật. Về thẩm quyền của các cấp Tòa án: Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của từng cấp Tòa án, phân định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật TTHC (sửa đổi) đã bổ sung quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh (khoản 4 Điều 32). Về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn: Luật TTHC (sửa đổi) quy định cụ thể các điều kiện để giải quyết vụ án hành chính thủ tục rút gọn, cụ thể là: Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện. Ngoài ra, Luật TTHC (sửa đổi) còn bổ sung một số quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, thi hành án hành chính, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác. Luật TTHC (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017./. Hạ Trương Tin mới:
Các tin khác:
|