Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 |
Thứ năm, 05 Tháng 3 2015 08:06 - 1652 Lượt xem |
|
|
Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, Nghị định hướng dẫn các nội dung liên quan đến: Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT; cộng đồng dân cư tham gia BVMT… Đối tượng lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bao gồm: Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản nhưng chưa có phương án được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt thì phải lập lại phương án. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung bao gồm: Tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được duyệt. Trách nhiệm kiểm soát BVMT đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn; quan trắc chất lượng môi trường đất các khu vực công cộng; công bố thông tin về chất lượng môi trường đất theo quy định của pháp luật về đất đai; cập nhật thông tin về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; ban hành cảnh báo đối với các khu vực có chất lượng đất không phù hợp với mục đích sử dụng; theo dõi, giám sát việc lập, tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất để phù hợp với mục đích sử dụng của chủ sử dụng đất hoặc người gây ô nhiễm; tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm trên địa bàn. Trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật: Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này; sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Xây dựng, thực hiện mô hình BVMT dựa vào cộng đồng dân cư: Nhà nước khuyến khích và có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển bền vững, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình hoạt động, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; tham gia quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Cộng đồng dân cư có quyền chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tham gia giám sát, kiểm tra việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể những ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động BVMT như: Ưu đãi về cơ sở hạ tầng và đất đai, về vốn, thuế, về giá và sản phâm tiêu thụ, các ưu đãi khác… Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2015./. PBGDPL Tin mới:
Các tin khác:
|