Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế đối với người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
Thứ hai, 02 Tháng 3 2015 14:28 - 2651 Lượt xem |
|
|
Ngày 02/02/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 04) hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với người lao động (NLĐ) khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, Thông tư 04 quy định áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân có sử dụng lao động. Cụ thể, những trường hợp tai nạn NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ bao gồm: trường hợp NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của NSDLĐ ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã; trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại tại địa điểm, thời gian hợp lý; trường hợp NSDLĐ đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động thì tiền bồi thường là do đơn vị bảo hiểm chi trả. Nếu mức chi trả thấp hơn mức quy định tại Thông tư 04 thì NSDLĐ trả phần còn thiếu. Nếu NSDLĐ không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì NSDLĐ ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp còn phải trả chế độ BHXH thay cơ quan BHXH cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức quy định cụ thể tại Thông tư 04. Nguyên tắc bồi thường và mức bồi thường: Việc bồi thường sẽ được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào, thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó. Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương. Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10% thì mức bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Trường hợp Trợ cấp tai nạn lao động: Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn là do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc khi người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, tại địa điểm và thời gian hợp lý. Trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chế do tai nạn lao động được trợ cấp ít nhất bằng 12 tháng tiền lương; Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10% được trợ cấp ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương. Tiền bồi thường, trợ cấp phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ trong thời hạn 5 ngày làm việc khi NSDLĐ ra quyết định bồi thường, trợ cấp. Ngoài ra, nếu NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của NSDLĐ ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tư 04 quy định trách nhiệm của NSDLĐ khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể: Lập hồ sơ và thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp cho người lao động hoặc thân nhân của người lao động đúng theo quy định; thường xuyên chăm lo sức khỏe đối với người lao động, khám sức khỏe định kỳ (tổ chức khám, đưa đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động); thực hiện bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có); thực hiện điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có) bị suy giảm khả năng lao động. Thông tư 04 có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2015, thay thế Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ LĐ-TB&XH./. Thanh Linh Tin mới:
Các tin khác:
|