Nội dung đáng quan tâm của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 |
Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 13:41 - 5013 Lượt xem |
|
|
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Luật tổ chức VKSND), được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Riêng, một số điều có hiệu lực sớm hơn kể từ ngày 01/02/2015. Luật tổ chức VKSND tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát trong hoạt động tư pháp đối với Cơ quan điều tra, Tòa án và các cơ quan khác theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, hoạt động của VKSND được Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh về chức năng thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; bổ sung thêm chức năng thống kê tội phạm, nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật … mở rộng thẩm quyền cho Cơ quan điều tra của VKSND đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm nghiêm trọng và kiến nghị trong trường hợp ít nghiêm trọng. Tương ứng với hệ thống tổ chức của TAND, hệ thống tổ chức của VKSND cũng có 04 cấp, đó là: VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh); VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (VKSND cấp huyện) và Viện kiểm sát quân sự các cấp. VKSND cấp cao là cấp tổ chức thay cho Viện kiểm sát phúc thẩm hiện nay, nhưng được mở rộng về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án trong lĩnh vực hình sự, hành chính, các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh trong phạm vi địa hạt thuộc thẩm quyền. Về chức danh tư pháp, Kiểm sát viên được bổ nhiệm theo 04 ngạch: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp. Nhiệm kỳ của Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu là 05 năm, bổ nhiệm lại, nâng ngạch thời hạn lên 10 năm; áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp và Kiểm sát viên trung cấp. Kiểm sát viên phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm; các chức danh trong ngành Kiểm sát có thang bậc lương riêng. Ngoài ra, Luật còn quy định Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và có chức danh tư pháp, giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND. Kiểm tra viên có các ngạch: Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. Kiểm tra viên có những nhiệm vụ giúp Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động khác khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Kiểm sát viên và trước Viện trưởng VKSND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan VKSND được cấp trang phục và phù hiệu; Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên được cấp cấp hiệu, giấy chứng minh, giấy chứng nhận để làm nhiệm vụ (riêng hệ thống Viện kiểm sát quân sự được cấp trang phục theo chế độ của quân đội). Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chế độ cấp phát và sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân, phù hiệu, cấp hiệu của lãnh đạo VKSND các cấp, của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng VKSND tối cao quy định, cấp phát và quản lý. Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội quy định kể từ ngày 01/02/2015 đến ngày 01/6/2015, Viện trưởng VKSND tối cao có trách nhiệm tổ chức ổn định bộ máy làm việc, cán bộ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm hoạt động của VKSND các cấp theo quy định tại các Điều 40, Điều 49, các Khoản 3, 4 và 5 Điều 63, Điều 74, Điều 76, Điểm b và Điểm c, Khoản 1, Điều 79, Điểm b và Điểm c, Khoản 1, Điều 80, Khoản 1, Điều 93 của Luật tổ chức VKSND. Xem toàn văn Luật tổ chức VKSND năm 2014, tại đây./. Thân Phước Thành Tin mới:
Các tin khác:
|