Lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con
 Thứ ba, 16 Tháng 12 2014 14:47 - 2355 Lượt xem
In

Từ ngày 01/01/2016, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Đây là một trong những điểm mới nổi bật nhất của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014.

 

Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 05 ngày làm việc khi vợ sinh thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Ngoài điểm mới này, so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn có một số điểm mới như:

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia mà chỉ quy định đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về chế độ hưu trí: quy định về điều kiện hưởng lương hưu, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung thêm trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Về mức lương hưu hàng tháng, từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người đủ điều kiện theo Luật được tính bằng 45% mức bình quân tiền lượng tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, nhưng tối đa không quá 75%. Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người đủ điều kiện theo Luật được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ 2020 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Người lao động suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hàng tháng được tính theo cách tính chung nhưng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2%.

Về tổ chức, quản lý bảo hiểm xã hội: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp...

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016, riêng đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 03 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện kể từ ngày 01/1/2018./.

                                                                                                                    Tùng Lưu

 

 


Tin mới:
Các tin khác: