Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai |
Chủ nhật, 23 Tháng 11 2014 17:48 - 3659 Lượt xem |
|
|
Ngày 10/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai (sau đây gọi là Nghị định 102) với 04 chương, 38 điều quy định các hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản VPHC trong lĩnh vực đất đai. Theo Nghị định, đối tượng bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai là những đối tượng có hành vi VPHC trong sử dụng đất đai hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai bao gồm: hộ gia đình, cộng đồng dân cư; cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân); tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức); và các cơ sở tôn giáo. Riêng các tổ chức, cá nhân được áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì không bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 102. Nghị định 102 quy định 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, cũng có 2 hình phạt bổ sung khác bao gồm: tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt VPHC có hiệu lực và tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC. Các hành vi VPHC, hình thức và mức xử phạt cụ thể được quy định tại Chương II Nghị định 102 (từ Điều 6 đến Điều 30); đáng chú ý là quy định xử phạt đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở có thể chịu mức phạt tối đa lên tới 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghị định 102 cũng có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có thể xử phạt tối đa 5 triệu đồng đối với cá nhân và 10 triệu đồng đối với tổ chức; Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thanh tra chuyên ngành đất đai có thể xử phạt tối đa 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, những người có thẩm quyền xử phạt VPHC của các cơ quan khác (theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý VPHC) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi VPHC quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì cũng có quyền xử phạt. Nghị định 102 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2014. Đối với những hành vi VPHC trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước thời điểm Nghị định 102 có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp các quy định về xử phạt VPHC trong Nghị định 102 có lợi cho đối tượng VPHC thì áp dụng các quy định của Nghị định 102 để xử lý. Hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì tiếp tục thực hiện theo quyết định xử phạt đó./. Vĩnh Can Tin mới:
Các tin khác:
|