Quy định mới về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở |
Thứ sáu, 05 Tháng 9 2014 16:15 - 2057 Lượt xem |
|
|
Kể từ ngày 15/9/2014, việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở sẽ được thực hiện theo Thông tư số 100/2014/TTLT-BTC-BTP do liên Bộ Tài chính - Tư pháp ban hành ngày 30/7/2014 (Thông tư 100) thay thế cho các quy định về nội dung chi, mức chi phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 14/5/2010 hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Thông tư 73). Thông tư 100 quy định rất chi tiết các nội dung chi và mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở, cụ thể như sau: Về nội dung chi: Thông tư quy định rất nhiều nội dung chi mới như: chi hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình, Đề án về hòa giải ở cơ sở để tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các cuộc họp; chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về hoạt động hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi tổ chức các cuộc họp triển khai Chương trình, Đề án, Kế hoạch công tác hòa giải ở cơ sở; chi tạo lập thông tin điện tử phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở; chi rà soát, thống kê, hệ thống hóa các văn bản, tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu về tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ của cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên; thực hiện tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; khảo sát mô hình tổ chức và kinh nghiệm hoạt động hòa giải ở cơ sở ở trong nước và nước ngoài… Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải, bao gồm: chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải gồm: chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải; các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác hòa giải ở cơ sở (nếu có); chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài căn cứ vào văn bản hợp tác quốc tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về nội dung chi và mức chi thì có thể vận dụng các quy định tại Thông tư này. Về mức chi: Đặc biệt, Thông tư 100 có một số quy định mới như sau: chi tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thuộc các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về hòa giải cơ sở: việc hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng nghỉ, đi lại cho học viên bao gồm: cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, hòa giải viên và các đối tượng khác là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở thực hiện theo mức chi hỗ trợ cụ thể như sau: hỗ trợ tiền thuê phòng nghỉ, phụ cấp lưu trú, hỗ trợ tiền phương tiện đi lại thực hiện thanh toán theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; hỗ trợ tiền ăn cho học viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đặc biệt, về nội dung chi thù lao cho hòa giải viên, Thông tư 100 đã nâng mức chi tối đa lên 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải (Thông tư 73 quy định 150.000 đồng/ vụ, việc/tổ hòa giải). Ngoài ra, Thông tư 100 cũng quy định mức chi hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với hòa giải viên bị tai nạn trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở (bao gồm cả trường hợp hòa giải viên bị tai nạn được cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc trước khi chết) được thực hiện như sau: đối với người bị tai nạn có tham gia bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí y tế cho cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với người bị tai nạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; đối với người bị tai nạn không tham gia bảo hiểm y tế ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút bằng mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế. Việc hỗ trợ thu nhập thực, tế bị mất hoặc bị giảm sút đối với hòa giải viên bị tai nạn trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 09/07/2013 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, mức hỗ trợ người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe. Về hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, Thông tư 100 quy định mức chi bằng 05 tháng lương cơ sở./. Minh Tâm
Tin mới:
Các tin khác:
|