Những điểm mới cơ bản của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi |
Thứ hai, 25 Tháng 8 2014 08:20 - 2381 Lượt xem |
|
|
Để khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 13/6/2014, với 412/428 đại biểu tán thành (chiếm 82,73%), Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT sửa đổi). So với Luật Bảo hiểm y tế hiện hành Luật BHYT sửa đổi có một số điểm mới mang tính đột phá như: Mở rộng đối tượng tham gia BHYT: nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, Luật BHYT sửa đổi đã mở rộng đáng kể đối tượng tham gia BHYT, cụ thể: bổ sung người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo vào đối tượng được đóng BHYT bằng ngân sách Nhà nước; bổ sung đối tượng được bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng BHYT gồm người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Ngoài ra, thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, học sinh sinh viên…) cũng sẽ phải tham gia BHYT, mức đóng cụ thể như sau: người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Thay đổi về mức hưởng BHYT: Luật BHYT sửa đổi mở rộng đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh như: binh sỹ quân đội đang tại ngũ; học viên công an nhân dân; cựu chiến binh; người được hưởng BHXH hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; cha đẻ mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sỹ…Đặc biệt đối tượng đóng BHYT liên tục trên 5 năm, đã thanh toán tiền khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở cũng được hưởng 100% (trừ trường hợp trái tuyến). Tăng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công cách mạng và người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 80% lên 95%. Mức hỗ trợ cho trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến được quy định: tuyến huyện được hỗ trợ 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/ 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01/01/2016, tuyến tỉnh được hỗ trợ 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước, tuyến trung ương được hỗ trợ 40% chi phí điều trị nội trú. Tăng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng BHYT: cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi còn quy định tổ chức BHXH chịu trách nhiệm đóng BHYT cho người đang nghỉ thai sản với mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và quy định về hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi không cần bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh, ngoài tờ khai tham gia BHYT chỉ cần bổ sung danh sách tham gia BHYT do UBND xã lập. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015./. PBGDPL
Tin mới:
Các tin khác:
|