Một số điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 |
Thứ ba, 15 Tháng 7 2014 07:32 - 5430 Lượt xem |
|
|
Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 (Luật HN&GĐ 2014), với 10 chương, 133 điều quy định về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. So với Luật HN&GĐ 2000, Luật HN&GĐ 2014 có một số điểm mới nổi bật như: Thứ nhất, về độ tuổi kết hôn Luật HN&GĐ 2014 (Khoản 1, Điều 8) đã nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước qua tuổi 18 như quy định tại Luật HN&GĐ 2000. Như vậy, Luật mới quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Thứ hai, Luật HN&GĐ 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100). Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản; vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Thứ ba, ngoài chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Luật HN&GĐ 2014 còn quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 47,48,49,50 và 59). Việc thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Ngoài những nội dung trên, Luật HN&GĐ 2014 còn quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân; không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 và thay thế Luật HN&GĐ số 22/2000/QH10 ngày 09/6/2000./. PBGDPL
Tin mới:
Các tin khác:
|