Những điểm mới trong Luật Đấu thầu 2013
 Thứ tư, 26 Tháng 3 2014 07:37 - 3276 Lượt xem
In

Ngày 26/11/2013, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật đấu thầu (Luật số 43/2013/QH13, sau đây gọi là Luật đấu thầu 2013). Luật được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 09/12/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.

altLuật đấu thầu bao gồm 13 chương và 96 điều, so với Luật đấu thầu 2005, Luật đấu thầu 2013 có nhiều điểm mới đáng chú ý sau đây:

1. Ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước: Chính sách này được thể hiện qua một số quy định như  yêu cầu nhà thầu nước ngoài liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam (điểm h, khoản 1, Điều 5); hay quy định việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong những điều kiện nhất định (khoản 1, Điều 15); đặc biệt là chính sách ưu đãi dành cho nhà thầu trong nước quy định tại Điều 14…

Những quy định trên không chỉ khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước mà còn từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

2. Bổ sung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu:  Luật đấu thầu 2013 quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể: lựa chọn nhà thầu (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp); lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: phương pháp giá dịch vụ, phương pháp góp vốn của Nhà nước, phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước và phương pháp kết hợp; tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn đánh giá về tài chính.

Như vậy, ngoài các phương pháp cơ bản Luật đấu thầu 2005 đã quy định, Luật đấu thầu 2013 bổ sung thêm 04 phương pháp đánh giá mới là phương pháp giá thấp nhất và phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá (áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp); phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá cố định (áp dụng đối với gói thầu tư vấn).

3. Phương thức lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư : Để tạo thuận lợi và linh hoạt trong việc áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Luật đấu thầu đã quy định 4 phương thức bao gồm: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ và phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Những quy định cụ thể về từng phương thức trên được quy định tại Mục 2, Chương 2 (từ điều 28 đến điều 31), Luật Đấu thầu 2013.

4. Lựa chọn nhà đầu tư: Việc lựa chọn nhà đầu tư bao gồm kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư; trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; xét duyệt trúng thầu trong lựa chọn nhà đầu tư.

Rất đáng lưu ý là việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu qua mạng được quy định cụ thể tại các Điều 60 và 61 của Luật Đấu thầu 2013.

Ngoài những điểm nói trên, Luật đấu thầu 2013 còn có một số điểm mới đáng ghi nhận nữa như việc cải tiến thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đấu thầu quốc gia; quy định về việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung; lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế; hợp đồng trong đấu thầu; phân cấp trách nhiệm trong đấu thầu…

Luật Đấu thầu 2013 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, với nhiều thay đổi so với Luật năm 2005, hy vọng đây sẽ là cơ chế đấu thầu mới với sự thống nhất, minh bạch và hiệu quả./.

Kiến Minh

 


Tin mới:
Các tin khác: