Hậu quả của việc công nhận hoặc không công nhận tại Việt Nam việc kết hôn của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
 Thứ sáu, 10 Tháng 8 2012 12:43 - 1816 Lượt xem
In

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay nhu cầu công dân Việt Nam trở về yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc kết hôn đã tiến hành ở nước ngoài ngày càng nhiều. Để điều chỉnh vấn đề này, pháp luật Việt Nam có quy định: “Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn. Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn đó là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì việc kết hôn đó cũng được công nhận tại Việt Nam... Trong trường hợp công dân Việt Nam vắng mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì khi có yêu cầu công nhận việc kết hôn đó tại Việt Nam, Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn các bên kết hôn để làm rõ sự tự nguyện kết hôn của họ” (khoản 7 Điều 1 Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài). Theo quy định trên thì việc kết hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể được công nhận hoặc không công nhận tại Việt Nam. Bài viết này xin trình bày một góc nhìn khác của vấn đề công nhận kết hôn tại Việt Nam. Đó là hậu quả của việc công nhận hoặc không công nhận tại Việt Nam việc kết hôn của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Rắc rối trong vụ ông Nguyễn Đức An (quốc tịch Hoa Kỳ) kiện siêu mẫu Ngọc Thúy đòi giá trị tài sản hơn 288 tỷ đồng gây ồn ào trong thời gian qua đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến hậu quả của việc công nhận hoặc không công nhận tại Việt Nam việc kết hôn của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Nội dung vụ kiện như sau: năm 2006, ông Nguyễn Đức An (quốc tịch Hoa Kỳ) và bà Phạm Thị Ngọc Thúy (quốc tịch Việt Nam) đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Hoa Kỳ. Theo lời ông An, trong thời kỳ hôn nhân, do ông không có quốc tịch Việt Nam nên nhờ vợ mình đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhiều bất động sản, động sản ông mua tại Việt Nam có giá trị hơn 288 tỷ đồng. Năm 2008, họ làm thủ tục ly hôn tại Hoa Kỳ. Sau đó, do có tranh chấp về tài sản, ông An đã làm đơn khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề pháp lý phát sinh trong trường hợp này là: Hôn nhân của ông An và bà Thúy chưa được công nhận tại Việt Nam vì việc kết hôn của họ ở Hoa Kỳ chưa được Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ghi chú . Điều đó dẫn đến hệ quả là khi giải quyết tranh chấp về tài sản giữa họ, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ không áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản theo pháp luật hôn nhân và gia đình mà đây được xem là quan hệ tranh chấp tài sản đơn thuần giữa hai cá nhân. Hai bên có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là của mình, ai có đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình thì người đó thắng kiện.

Qua vụ việc trên, chúng ta có thể nhận ra hệ lụy của việc công nhận hoặc không công nhận tại Việt Nam việc kết hôn của công dân Việt Nam đã tiến hành ở nước ngoài. Khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, mà cụ thể ở đây là Sở Tư pháp, công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã tiến hành ở nước ngoài, tức là họ được xem là vợ chồng tại Việt Nam, được hưởng các quyền theo Luật Hôn nhân và gia đình tại Việt Nam… Trường hợp, họ bị Sở Tư pháp từ chối ghi chú kết hôn khi không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, có nghĩa ở nước ngoài họ là vợ chồng, còn ở Việt Nam thì họ không được xem là vợ chồng. Nếu phát sinh bất kỳ tranh chấp nào tại Việt Nam thì đó được xem là tranh chấp dân sự thông thường. Tòa án Việt Nam không được áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình để giải quyết. Thêm một điều đáng quan tâm nữa là, vì hôn nhân của họ chưa được công nhận tại Việt Nam, nên theo nguyên tắc họ vẫn là người độc thân theo pháp luật Việt Nam và do đó họ hoàn toàn có quyền kết hôn với một người khác. Do đó, có thể xảy ra tình trạng, người Việt Nam có hai chồng hoặc hai vợ (!?)

Có thể nhận ra mâu thuẫn ở đây là: việc không công nhận quan hệ hôn nhân tại Việt Nam là việc của phía Việt Nam, còn giá trị pháp lý trong quan hệ hôn nhân của họ ở nước ngoài không vì thế mà thay đổi. Vậy, để giải quyết tình trạng trên, chúng ta cần tiến hành ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đặc biệt với các nước mà công dân Việt Nam tiến hành đăng ký kết hôn nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan... để có thể áp dụng những quy định chung trong việc đăng ký kết hôn và công nhận kết hôn, tránh tình trạng một bên lợi dụng những quy định khác nhau trong pháp luật của các nước khi xảy ra tranh chấp, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bên còn lại; đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế.

Kim Phượng


Tin mới:
Các tin khác: