Vụ án dân sự không có nguyên đơn
 Thứ ba, 28 Tháng 7 2020 14:45 - 1670 Lượt xem
In

Đây là vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt", được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm theo Bản án số 63/2019/DS-ST ngày 19/11/2019. Vụ án này đã bị kháng cáo và được Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra xét phúc thẩm vào ngày 05/5/2020 theo Bản án số 55/2020/DS-PT. Trong vụ án này, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn bà Võ Thị B là 02 luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, người đại diện theo ủy quyền ông Phạm Văn Đ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn ông Dương Văn H là một Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Nam.
Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận đề nghị hủy án sơ thẩm của Trợ giúp viên đưa ra tại phiên Tòa vì vụ án "không có nguyên đơn". Vậy, vì sao có tình trạng một vụ án dân sự mà không có nguyên đơn, dẫn đến Tòa kết luận là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cần hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. Xét thấy đây là một sai sót về tố tụng khá "độc và lạ", chưa từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tôi xin nêu lên để các đồng nghiệp cùng suy ngẫm.
Nội dung sự việc: Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Võ Thị B là ông Phạm Văn Đ trình bày: Nguyên trước đây ông nội của ông là Phạm Đ và bà Trần Thị V( đã chết) có khai hoang vở hóa khu đất tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Sau thời gian sử dụng ông nội ông có cho bà Phạm Thị L là em ruột diện tích 400m2 để ở, bà L và ông nội có thống nhất trồng hàng dừa làm ranh giới và có đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299/TTg thuộc thửa 471, tờ bản đồ số 1. Sau khi bà L chết thì ông Dương Văn H là con trai bà L tiếp tục sử dụng và quản lý 400m2. Gia đình ông thống nhất giao nhà và toàn bộ diện tích 1200m2 của ông nội để lại cho cha mẹ ông quản lý, sử dụng, giữa hai thửa đất có ranh giới là hàng dừa của bà Phạm Thị L trồng. Trong quá trình sử dụng thì ông H đã tự ý chặt dừa, đào gốc và tiến hành làm nhà, xây dựng hàng dừa lấn qua thửa đất của gia đình ông.Gia đình ông đã khiếu nại đến UBND xã và UBND xã hòa giải cho rằng hộ ông H được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt quá 285m2 là sai sót của chính quyền địa phương.Nay bà B khởi kiện yêu cầu ông Dương Văn H phải trả lại diện tích lấn chiếm 285m2 cho bà và yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G689398 do UBND huyện Núi Thành cấp ngày 01/4/1996 cho hộ ông Dương Văn H đối thửa đất số 153/2, tờ bản đồ số 01, diện tích 685m2.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Dương Văn H là ông Dương Văn Q trình bày: Diện tích thửa đất số 153/2, tờ bản đồ số 01, diện tích 685m2, đất thổ cư mà hiện nay hộ ông đang sử dụng có nguồn gốc do bà Phạm Thị L đã sử dụng ổn định để làm vườn và làm nhà từ trước năm 1975, ông H đã đăng ký diện tích đất này theo Nghị định 64 của Chính phủ và đến 1996 thì được UBND huyện Núi Thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 685m2. Năm 2011 UBND xã Tam Giang hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông và ông Phạm C thì kết luận việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Dương Văn H là đúng.
Kết quả xét xử sơ thẩm:
Bản án số 63/2019/DS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam chấp nhận yêu cầu của bà Võ Thị B về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt đối với bị đơn ông Dương Văn H. Buộc ông Dương Văn H phải trả lại cho bà Võ Thị B diện tích đất lấn chiếm 119,9m2 tại thửa đất 153/2, tờ bản đồ số 01 tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G689398 mà UBND huyện Núi Thành cấp cho hộ ông Dương H tại thửa đất 153/2, tờ bản đồ số 01, diện tích 119,9m2, theo cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc thửa 243, tờ bản đồ số 03 tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Kết quả xét xử phúc thẩm:
Ông Dương Văn H có đơn kháng cáo cho rằng Bản án số 63/2019 ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam buộc ông trả đất cho bà Võ Thị B là không có căn cứ pháp luật; đồng thời Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dương Văn H đã viện dẫn khoản 3 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cán bộ công an, kiểm sát, Tòa án không được làm đại diện trong tố tụng dân sự, trong khi đó, ông Phạm Văn Đ hiện là Trung úy Công an huyện Núi Thành thì không thể làm đại diện cho bà Võ Thị B. Khi tư cách của ông Đ không được pháp luật thừa nhận tư cách làm người đại diện thì tại phiên tòa sẽ "không có nguyên đơn". Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã nghị án và tuyên án chấp nhận đề nghị trợ giúp viên, tuyên hủy Bản án số 63/2019/DSST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam vì vi phạm pháp luật tố tụng nghiêm trọng,giao vụ án về để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Đôi điều suy nghĩ:
Đôi khi trong tố tụng dân sự, do quá sa đà vào nội dung mà không quan tâm đến thủ tục tố tụng mà ở đây là tư cách đương sự. Pháp luật có quy định: cán bộ của 03 ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an không được làm đại diện trong tố tụng dân sự. Vụ án trên, nguyên đơn vắng mặt có ủy quyền cho ông Đ và 02 Luật sư là người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn tham gia tố tụng. Nhưng khi tư cách ông Đ bị đề nghị bác bỏ thì rõ ràng là vụ án dân sự "không có nguyên đơn". Đây thực sự là nội dung chưa từng thấy sai phạm trong hoạt động tố tụng dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chính vì vậy, trong Thông tin nghiệp vụ xét xử tháng 7/2020 Tòa dân sự Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam có đề cập đến nội dung này để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Để tránh gặp phải sai sót như vụ án này, tác giả xin đề xuất đối với những vụ án mà có người đại diện theo ủy quyền thì bắt buộc phải xác nhận nghề nghiệp họ có đang làm trong Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hay không? Như vậy, cũng chính thức sinh ra một "giấy phép con" là những người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự phải có giấy xác nhận nghề nghiệp nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi muốn làm đại diện trong một vụ án dân sự cụ thể, có như vậy mới tránh được những sai sót không đáng có những vụ án cụ thể ở trên.
Thiết nghĩ, đây là nội dung cần phải được đưa vào "Sổ tay Trợ giúp pháp lý" để làm tư liệu phục vụ cho hoạt động tố tụng của Trợ giúp viên, giúp cho đội ngũ này ngày càng có kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn khi tham gia hoạt động tố tụng./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: