Bàn về hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
 Thứ ba, 10 Tháng 12 2019 08:18 - 2689 Lượt xem
In

Trong quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015), hơn 2 năm qua, đã xuất hiện một số quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng", quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử đối với một số loại tội trong Bộ luật này.
Để khắc phục vấn đề trên, ngày 07/4/2017, TANDTC đã có văn bản giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC; trong đó, tại mục 4, phần I có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tình tiết nói trên như sau:
"4. Tình tiết "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào? Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;
- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố "phạm tội lần đầu" và "thuộc trường hợp ít nghiêm trọng". Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo."
Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung hướng dẫn dưới hình thức Công văn về tình tiết "Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng", đối với trường hợp"Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm" được coi là "phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng", có ý kiến cho rằng hướng dẫn như vậy là trái với Điều 9 BLHS 2015, cụ thể:
"Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."
Đối chiếu với chế định trên thì để xác định hành vi phạm tội ít nghiêm trọng phải căn cứ vào 02 yếu tố: Thứ nhất, về định tính là "tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là không lớn". Thứ hai, về định lượng là "mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là đến 03 năm tù".
Ví dụ: Do gia đình quá khó khăn nên Nguyễn Thị B đã vận chuyển thuê cho Lê Văn A 02 con tê tê, với giá vận chuyển là 200.000 đồng. Trên đường vận chuyển thì B đã bị bắt và bị truy tố khoản 1 Điều 244 BLHS 2015về hành vi vận chuyển trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, với khung hình phạt là phạt tiền từ 500.000đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 5 năm. B phạm tội đây cũng là lần đầu phạm tội.
Hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau như sau.
Quan điểm thứ nhất cho là B không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo qui định tại điểm i Điều 51 Bộ luật hình sự về hành vi phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, vì theo Điều 9 BLHS 2015 đã qui định rõ phạm tội ít nghiêm trọng có hình phạt là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Do B bị truy tố tội có khung hình phạt đến 5 năm là thuộc loại tội nghiêm trọng, chứ không phải tội ít nghiêm trọng.
Quan điểm thứ hai căn cứ vào hướng dẫn của TANDTC "phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm" thì được coi là phạm tội ít nghiêm trọng. Do vậy, B được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm i Điều 51 BLHS 2015về hành vi phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Quan điểm này còn cho rằng khi một nội dung còn xung đột pháp luật thì phải ưu tiên lấy quan điểm có lợi cho người phạm tội, đây cũng là nguyên tắc quan trọng của pháp luật hình sự nước ta.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, tức hướng dẫn của TANDTC về tình tiết này là rất hợp lý, đúng với thực tế về các hành vi phạm tội đã xảy ra. Một người mặc dù có hành vi là đồng phạm, phạm vào một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, có khung hình phạt trên 3 năm tù, nhưng tính chất, mức độ tham gia rất mờ, vai trò không đáng kể, nên qui định như vậy để có căn cứ giảm nhẹ và từ đó phân hóa hình phạt nhẹ hơn s ovới các đồng phạm khác có vai trò chủ mưu, cầm đầu là việc làm rất cần thiết, tạo sự công bằng, hợp lý trong việc quyết định hình phạt. Tuy nhiên, tôi để tình tiết trên được áp dụng một cách thống nhất, nên kiến nghị TANDTC đưa nội dung trên vào Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, để hướng dẫn cụ thể hơn thế nào là "có vai trò, vị trí thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm". Vì ở đây còn tùy thuộc vào nhận thức chủ quan của người áp dụng, nên dễ dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tùy địa phương khác nhau.
Thứ hai, hiện nay nội dung hướng dẫn nói trên còn thể hiện dưới hình thức Công văn, thường có giá trị tham khảo hơn bắt buộc tuân thủ, nên cần có Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán, thì việc áp dụng sẽ triệt để hơn./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: