Rút đơn yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự: Hậu quả pháp lý và những vấn đề cần trao đổi
 Thứ năm, 07 Tháng 11 2019 13:56 - 12571 Lượt xem
In

Việc rút yêu cẩu khởi kiện được qui định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau có qui định cách thức rút đơn khác nhau và hậu quả pháp lý cũng khác nhau, đó là: giai đoạn trước khi thụ lý vụ án, sau khi thụ lý vụ án, trong khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Cụ thể:
- Giai đoạn trước khi thụ lý vụ án, được qui định tại điểm g, khoản 1 Điều 192 BLTTDS: "Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.", thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện. Như vậy, trước khi thụ lý vụ kiện mà người khởi kiện rút đơn thì được trả lại đơn và trong trường hợp này do Thẩm phán được phân công thực hiện.
- Giai đoạn sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, thì việc rút đơn khởi kiện của đương sự sẽ được Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án. Điểm c, khoản 1 Điều 217 BLTTDS: "Người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện".
- Giai đoạn đang xét xử sơ thẩm thì BLTTDS qui định cụ thể hơn: "Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút ( khoản 2 Điều 244 BLTTDS).
- Giai đoạn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Hội đồng xét xử phải hỏi bị đơn và nếu "bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án" (điểm b, khoản 1 Điều 299 BLTTDS). Trong trường hợp này, tại khoản 2 Điều 299 BLTTDS có qui định là "nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án" (theo thủ tục chung do BLTTDS quy định).
Như vậy, qua các trường hợp nêu trên, có thể thấy chỉ một hành vi "rút đơn khởi kiện", nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau của vụ án thì BLTTDS cũng có qui định khác nhau cho từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm là không phải lúc nào rút đơn khởi kiện cũng đều được kiện trở lại, nếu muốn. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp do không biết pháp luật nên đã rút đơn khởi kiện và sau đó mất luôn quyền khởi kiện. Bài này xin đề cập vấn đề rút đơn khởi kiện, hậu quả của nó và những vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện quyền rút đơn khởi kiện.
Về hậu quả pháp lý của rút đơn khởi kiện: Như đã đề cập ở trên, tùy theo từng giai đoạn mà Tòa án có thể ra những quyết định phù hợp khi rút đơn khởi kiện, cụ thể: Khi chưa thụ lý thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện; sau khi thụ lý rồi thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án; khi vụ án đang được xét xử sơ thẩm, nếu rút một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án đình chỉ một phần hay toàn bộ yêu cầu của đương sự; giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Tòa án hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Về nội dung khởi kiện lại: Vấn đề này được quy định tại Khoản 3, Điều 192 – BLTTDS như sau:
"3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
a) ...
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
c) ... "
Như vậy, không phải mọi trường hợp rút đơn, Tòa án đình chỉ vụ án cũng được khởi kiện trở lại mà chỉ có một số nội dung được qui định tại điểm b khoản 3 Điều 192 BLTTDS thì đương sự mới có quyền khởi kiện trở lại.
Để hướng dẫn thực hiện quy định trên, tại Khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, có quy định:"Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định."
Như vậy, việc đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện trở lại ngoài những nội dung qui định tại khoản 3 Điều 192, còn có nội dung qui định tại điểm c khoản 1 Điều 217, đó là "người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện". Do đó, nếu căn cứ vào quy định này thì trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu và phần rút này bị đình chỉ thì không được kiện trở lại. Đây chính là điểm "vướng" trong BLTTDS dẫn đến sự thiếu thống nhất và khó áp dụng trong thực tế. Xin nêu ví dụ: Trong việc vi phạm hợp đồng cho thuê nhà, ngoài việc nguyên đơn kiện đòi tiền thuê nhà, họ còn đòi chi phí mà hai bên đã thỏa thuận để nguyên đơn bỏ ra sửa chữa nhà, nhưng do chưa hết thời gian trong hợp đồng mà bị đơn tự ý chấm dứt hợp đồng. Khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn xin rút phần yêu cầu bị đơn trả lại một phần chi phí sửa chữa tài sản (nhà). Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 224 BLTTDS để đình chỉ phần rút yêu cầu. Tuy nhiên, nguyên đơn xin rút là do chưa thẩm định được chi phí sửa chữa nên rút để củng cố chứng cứ sau đó kiện trở lại, chứ không phải rút vĩnh viễn. Trong trường hợp cụ thể này sau đó Tòa án không thụ lý lại với lý do pháp luật qui định "người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện" thì mới được kiện trở lại. Đây là điều không hợp lý, gây thiệt hại quyền và lợi ích chính đáng của đương sự.
Những vấn đề cần bàn:
Vấn đề đương sự nộp đơn khởi kiện trở lại được qui định khá cụ thể tại khoản 3 Điều 192 BLTTDS. Cụ thể, qui định 4 nhóm hành vi như: người khởi kiện đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đỏi mức cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lý tài sản, quản lý di sản, thay đổi người giám hộ, đòi lại tài sản, đòi tài sản cho thuê...; đã có đủ điều kiện khởi kiện; các trường hợp khác. Như vậy có nhiều trường hợp dù đã rút yêu cầu, Tòa án đã đình chỉ, nhưng sau đó vẫn có quyền kiện lại. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp, vướng mắc xảy ra là ngoài nội dung được kiện lại ở Khoản 3 Điều 192 BLTTDS, Nghị quyết 04/2017 của HĐTPTANDTC còn có qui định thêm trường hợp được khởi kiện lại là "người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện". Quy định này được hiểu là người khởi khiện chỉ kiện lại nếu như trước đó đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tức là nếu chỉ rút một phần yêu cầu thì không được kiện lại (đối với phần đã rút)! Theo tôi, đây là quy định bất hợp lý. Bởi thực tế có nhiều vụ án mà người khởi kiện chỉ rút một phần yêu cầu (do chưa chuẩn bị đầy đủ chứng cứ nên cần có thời gian để bổ sung hoặc cần giám định lại sức khỏe .v.v...) để sau đó khởi kiện lại chứ không phải rút để từ bỏ yêu cầu. Mặt khác, nếu người khởi kiện vì không muốn từ bỏ bất cứ yêu cầu nào của mình mà buộc phải rút toàn bộ yêu cầu, trong đó có yêu cầu chưa được chuẩn bị tốt về chứng cứ, để sau đó được quyền khởi kiện lại vụ án, thì đó cũng là một trở ngại lớn cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.
Thiết nghĩ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên xem xét nội dung trên để điều chỉnh lại cho hợp lý, nhằm tránh trường hợp người khởi kiện buộc phải tạm thời rút yêu cầu vì lý do trở ngại khách quan mà không được kiện lại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: