Cần làm rõ mối quan hệ và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật
 Thứ hai, 04 Tháng 11 2019 10:36 - 1939 Lượt xem
In

Có thể nói Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân; là văn bản rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và tác động rất tích đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi cả nước trong 15 năm qua, trong đó có Quảng Nam.
Qua 15 năm làm nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 32 trên địa bàn tỉnh với kết quả thu được như Báo cáo số 431-BC/TU ngày 30/8/2019 của Tỉnh ủy, ngành Tư pháp nhận thấy vai trò, ý nghĩa của hệ thống chính trị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là rất to lớn. Để tiếp tục phát huy nhân tố này đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới, trước mắt là giai đoạn 2020–2025, chúng tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm về mối quan hệ và nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra một số suy nghĩ bước đầu của mình để chia sẻ cùng các đồng nghiệp.
Trước hết phải khẳng định "Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng" là một quan điểm đúng đắn và sẽ tiếp tục phát huy vai trò "kim chỉ nam" của nó trong giai đoạn mới. Vấn đề chúng ta cần làm rõ thêm là, trong hệ thống chính trị hiện có nhiều cơ quan, tổ chức; vậy vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, tổ chức khi tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải như thế nào? Trước hết về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp, nhìn chung đã có sự nhận thức thống nhất, nên chúng tôi không bàn thêm ở đây.
Còn lại là vai trò, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị đoàn thể... khi tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (nhất là khi tham gia chủ trì thực hiện các đề án) nên theo phương thức nào để vừa phát huy được hiệu quả cao nhất đồng thời tránh được sự chồng chéo, lãng phí...
Trong hơn 15 năm qua, để huy động nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị các cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật qua các giai đoạn khác nhau, như: Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004); Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 (ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg, ngày 12/3/2008); Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 (ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012); và hiện nay đang thực hiện là Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017). Trong mỗi Chương trình nêu trên đều có kèm theo một số đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể và giao cho một số ngành chủ trì tổ chức triển khai thực hiện trong sự phối hợp với các ngành liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho một số đơn vị cấp tỉnh chủ trì trong thời gian vừa qua, có thể thấy rõ một số mặt tích cực và hạn chế như sau:
Về mặt tích cực:
- Đã huy động được nguồn nhân lực lớn tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo ra được sức lan tỏa mạnh mẽ về các thông tin pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở các địa bàn dân cư;
- Thông qua việc thực hiện các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã xây dựng được đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp đông đảo về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng; phát triển được nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới ...
- Ở một số sở, ngành có nguồn nhân lực lớn (như Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở GD&ĐT...) đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc phạm vi đề án, đưa pháp luật đến với người dân ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các nhóm đối tượng đặc thù ...
Về mặt hạn chế:
- Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật ở các sở, ngành của tỉnh trong thời gian qua cho thấy chủ yếu là do cơ quan, đơn vị được giao chủ trì đề án thực hiện, còn các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm phối hợp hầu như ít tham gia trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều về mặt hiệu quả của các đề án trên thực tế.
- Do số lượng biên chế được giao cho các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước chủ yếu là để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; do đó việc chủ trì thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ "giao thêm" cho nên cơ quan chủ trì phải bố trí nhân lực thực hiện kiêm nhiệm đối với "công việc phụ". Điều này đã làm cho việc triển khai các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số ngành, địa phương trên thực tế được "tinh gọn" khá nhiều về nội dung, hình thức thực hiện so với các mục tiêu ban đầu của đề án khi được phê duyệt. Do đó chất lượng thực hiện đề án ở một số đơn vị chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra.
- Các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua tương đối nhiều; trong đó, nhiều đề án có sự trùng lắp nhau về đối tượng phục vụ, địa bàn thực hiện. Các cơ quan chủ trì đề án ở cấp Trung ương ban hành kế hoạch, hướng dẫn và đề ra rất nhiều nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì (theo ngành) cấp dưới ở địa phương, trong khi việc bố trí kinh phí thực hiện đề án lại giao trách nhiệm cho địa phương. Điều này gây ra nhiều khó khăn, lúng túng cho địa phương do phải vừa bảo đảm kinh phí để cho đề án được triển khai, vừa bảo đảm không có sự trùng lắp về nội dung, đối tượng, địa bàn thực hiện...
Một số đề xuất hướng khắc phục
Từ những bài học kinh nghiệm được rút ra qua quá trình tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các đề án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục phần nào những vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, để tiếp tục khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang còn tồn tại nhằm phát huy hiệu quả thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2017 – 2021, nhất là đối với các đề án đang được triển khai thực hiện; Sở Tư pháp có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, tiếp tục chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, theo mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả". Đây là một chủ trương mới đang phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân ở cơ sở theo chuyên đề và theo nhóm đối tượng; đồng thời khắc phục được một phần khó khăn cho cấp xã về vấn đề nhân lực và tài chính.
Hai là, việc tổ chức thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương nên hướng việc ưu tiên vào các nhóm đối tượng đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời tạo điều kiện tăng cường về mặt nguồn lực, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan chủ thực hiện đề án.
Ba là, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 của tỉnh, theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các đề án, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình, tổ chức quản lý điều hành thật tốt nguồn kinh phí của tỉnh bố trí cho các đề án hằng năm theo hướng tập trung vào một đầu mối, có bộ phận tham mưu chuyên trách trong thời gian thực hiện Chương trình, tăng cường sự hướng dẫn, giám sát thường xuyên của Hội đồng phối hợp tỉnh.
Bốn là, tăng cường vai trò trách nhiệm của các Ủy viên Hội đồng phối hợp tỉnh trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang... Nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật trong các nhóm đối tượng đặc biệt này của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm một mặt để nâng cao chất lượng tham mưu cho lãnh đạo trong hoạt động quản lý, điều hành, mặt khác làm cho việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trở thành nhu cầu tự thân trong cuộc sống công tác của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên./.

Đặng Văn Đào
(Giám đốc Sở Tư pháp)


Tin mới:
Các tin khác: