Ngày 09/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân; trong đó có quan điểm chỉ đạo rất quan trọng: "Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng". Qua 15 năm tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 và Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, công tác PBGDPL ở Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, như: Thứ nhất, nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên. Nhiều cấp uỷ, tổ chức Đảng đã coi PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện. Qua kết quả công tác PBGDPL của tỉnh đã đạt được ở địa phương trong 15 năm qua có thể thấy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy được đánh giá cao. Điều này thể hiển qua việc Ban Tuyên giáo các cấp xem PBGDPL là một phần nhiệm vụ của mình, đưa công tác PBGDPL vào kế hoạch tuyên truyền hằng năm của mình để tham mưu cho cấp ủy cùng cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước tích cực triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp Nhân dân, trong quân đội, công an, cán bộ công chức, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên; đã thực hiện được chủ trương xã hội hoá công tác PBGDPL, huy động được một số nguồn lực của xã hội cho công tác này. Thứ hai, bộ máy tổ chức, cán bộ và đội ngũ những người làm công tác PBGDPL luôn được củng cố, kiện toàn. Theo thời gian, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL tăng cả về chất lượng và số lượng, nâng dần trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều cán bộ làm công tác PBGDPL đã được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Đến nay, sau khi kiện toàn đội ngũ báo viên pháp luật cấp tỉnh có 75 đồng chí, cấp huyện có 385 báo cáo viên; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở cũng được quan tâm hướng dẫn kiện toàn, đến nay toàn tỉnh có 2.574 tuyên truyền viên. Thứ ba, hình thức PBGDPL không ngừng được đổi mới. Nội dung PBGDPL luôn đổi mới, bám sát phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của mỗi bộ, ngành, địa phương; từng bước khắc phục được tính hình thức. Tổ chức tuyên truyền bằng hình thức "Sân khấu hóa"; Hội thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường, Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, ...). Hình thức thi rung chuông vàng, ngày hội tư vấn thủ tục hành chính... được nhiều địa phương vận dụng thu hút được nhiều người dân tham gia, đặc biệt là thanh thiếu niên. Hoạt động tuyên truyền còn được các Phòng Tư pháp linh hoạt lồng ghép vào các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng ở địa phương như "Hội Chợ quê", "Hội trại truyền thống"... để đưa pháp luật vào đời sống với các nội dung được lựa chọn phù hợp. Các hình thức tuyên truyền khác như "Mỗi tuần một điều luật", "Phiên tòa giả định" cũng đã và đang đem lại hiệu quả tích cực. Thứ tư, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền PBGDPL đã được đầu tư. Trong những năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL được quan tâm. UBND tỉnh đã bố trí kinh phí ổn định cho cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh trung bình 120.000.000 đồng/năm để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL được giao và đảm bảo cho các hoạt động tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, kinh phí bình quân cho mỗi huyện là 50 triệu đồng/năm. Một số địa phương, có sự quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác này cao hơn, như các huyện Núi Thành, Đại Lộc, Phú Ninh, Duy Xuyên và thành phố Hội An và Tam Kỳ. Với những kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW như đã nêu trên, công tác PBGDPL vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế nhất định: - Nhận thức về công tác PBGDPL của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa đúng mức, còn coi đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp và những ngành liên quan, dẫn đến đôi lúc đôi nơi sự phối hợp của giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PBGDPL chưa được thường xuyên và thiếu tính chặt chẽ. - Qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, một số ngành, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức rõ PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Chỉ thị 32-CT/TW và chỉ đạo của Tỉnh ủy, mà còn xem đó là trách nhiệm của riêng ngành Tư pháp, đây cũng một trong những nguyên nhân chưa quan tâm đến nguồn lực cho công tác này. - Đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, mà trước hết là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật một chủ yếu kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu nên chất lượng truyền đạt chưa cao, chưa có thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, triển khai các văn bản pháp luật mới; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở (xã, phường, thị trấn, làng, bản ...) còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số nhiệm vụ trong thời gian đến: - Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; làm cho cán bộ, đảng viên hiểu đúng tinh thần của Chỉ thị 32-CT/TW gắn với Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư "về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới". - Phải xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu theo đề cương và đi sâu những vấn đề có liên quan đến đối tượng. - Đổi mới hình thức, phương pháp phối hợp PBGDPL, các hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, phát hành sách pháp luật, tờ bướm, tờ gấp, hỏi đáp pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, mở các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên báo, đài; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý cho nhân dân, phát triển các câu lạc bộ để tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức linh hoạt đa dạng. Nghiên cứu hình thức phương pháp tuyên truyền PBGDPL phù hợp nhu cầu của từng đối tượng, địa bàn với nội dung thiết thực làm cho cán bộ nhân dân có ý thức và quan tâm tìm hiểu pháp luật. Ví dụ : "Sân khấu hóa" đưa những tình huống pháp luật, những Điều, Chương, Mục ... luật thành ca từ, điệu hò, câu ví dễ đi vào cộng đồng. - Củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL, cán bộ làm công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, có trình độ, năng lực và kỹ năng PBGDPL đáp ứng cho công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay. - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và thanh tra, kiểm tra của các cấp chính quyền đối với hoạt động PBGDPL, bảo đảm đúng định hướng, đúng kế hoạch công tác đã đề ra. Biểu dương những đơn vị cá nhân làm tốt, phê bình chấn chỉnh các thiếu sót, hạn chế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hơn nữa chất lượng công tác PBGDPL. - Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện công tác PBGDPL. - Thường xuyên kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về số lượng và chất lượng; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL như tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, xây dựng tủ sách pháp luật điện tử; tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác PBGDPL./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy |