Một số vấn đề về kỹ năng tuyên truyền pháp luật trực tiếp
 Thứ tư, 14 Tháng 10 2015 07:54 - 2047 Lượt xem
In

(tiếp theo kỳ trước)

3. Vấn đề chính yếu là kiến thức pháp luật và vốn sống của báo cáo viên. Cho dù một báo cáo viên có kỹ năng nói tốt đến mấy mà thiếu kiến thức pháp luật và vốn sống còn nghèo thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ “khua môi”, không thể làm tốt công tác tuyên truyền trực tiếp được. Kiến thức pháp luật chỉ có thể được bổ sung thường xuyên thông qua con đường kiên trì học tập, nghiên cứu, tìm hiểu từ các nguồn tài liệu khác nhau. Yếu tố này phải do chính bản thân báo cáo viên thực hiện một cách bền bỉ như con kiến tha từng hạt thóc về hang. Nếu như ai đó coi kết quả tốt nghiệp đại học luật, thạc sĩ luật là đã đủ kiến thức pháp luật để làm báo cáo viên rồi, thì đó chưa phải là một báo cáo viên. Xã hội luôn tiến về phía trước, tri thức mới luôn ở phía trước, cái hôm nay ta biết có thể ngày mai sẽ là cũ, coi chừng sẽ bị người nghe chê bai vì kiến thức lạc hậu. Văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để theo kịp sự phát triển của cuộc sống; do đó báo cáo viên cũng phải luôn bám theo sự phát triển này để luôn cập nhật kiến thức pháp luật mới. Cập nhật kịp thời kiến thức pháp luật đối với báo cáo viên là chưa đủ; không chỉ là cập nhật mà còn nghiên cứu kỹ, nắm thật chắc những điều mà mình sẽ đem ra nói cho người khác nghe. Cái khổ cực, nhọc nhằn của báo cáo viên pháp luật là vậy; và nó cũng là câu trả lời vì sao báo cáo viên pháp luật được công nhận nhiều nhưng số người nói hay, nói tốt còn khá ít.

Bên cạnh vốn kiến thức pháp luật, báo cáo viên cần phải có vốn kiến thức tổng hợp khác, thường được gọi chung là “vốn sống”. Vốn kiến thức pháp luật và vốn sống có quan hệ chặt chẽ và hỗ tương cho nhau. Điều dễ nhận thấy là báo cáo viên càng có vốn sống phong phú bao nhiêu thì khả năng chuyển tải kiến thức pháp luật cho người khác càng có sức hấp dẫn và lôi cuốn bấy nhiêu.

Báo cáo viên pháp luật không phải là người được phân công lên diễn đàn để đọc lại văn bản pháp luật cho người khác nghe.

 Hãy tránh cái tôi không cần thiết. Thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có người khi lên bục tuyên truyền thường “tranh thủ” tạo ra cơ hội để giới thiệu về bản mình cho công chúng biết. Đành rằng danh phận và địa vị của báo cáo viên là yếu tố quan trọng tạo nên sự thán phục, mong đợi của người nghe. Tuy nhiên, nếu báo cáo viên quá nhấn mạnh cái tôi của mình bằng cách lặp đi lặp lại với mật độ hơi dày đến mức làm cho khán giả có suy nghĩ là báo cáo viên đang lợi dụng diễn đàn để “đánh bóng” cho bản thân mình, là điều không nên làm.

4. Cố gắng thoát ly tài liệu là cách tốt nhất để báo cáo viên làm chủ diễn đàn. Nói “thoát ly tài liệu” ở đây là nói báo cáo viên khi lên diễn đàn không bị lệ thuộc nhiều vào tài liệu do đã có chuẩn bị, nghiên cứu kỹ và nắm chắc nội dung tài liệu từ trước đó. Một khi đã nghiên cứu và nắm vững nội dung tuyên truyền rồi thì tài liệu mà báo cáo viên mang theo chỉ còn vai trò như cái “tay vịn” khi cần thiết, nhưng không thể thiếu. Đây là điều rất khó khăn đối với một báo cáo viên pháp luật. Thực tế cho thấy còn khá nhiều báo cáo viên pháp luật do ít chịu khó nghiên cứu (hoặc không có nhiều thời gian để nghiên cứu) nên khi thuyết trình thường xuyên phải bám vào tài liệu để đọc lại cho người khác nghe. Điều này dẫn đến ít nhất ba hạn chế: 1) Vì đọc lại văn bản có sẵn nên sự diễn đạt khó lưu loát, tính biểu cảm khó thể hiện; 2) Báo cáo viên khó quán xuyến thái độ tiếp thu của người nghe, do đó ít được tiếp nhận thông tin từ chiều ngược lại; 3) Do thói quen “bám chắc” tài liệu sẽ làm cho báo cáo viên dễ bị túng túng trước những tình huống xuất hiện ngoài tài liệu. Càng thoát ly tài liệu thuyết trình càng sinh động, tự tin hơn.

Tuy nhiên, thoát lý tài liệu không có nghĩa là đi ra khỏi hoặc đi quá xa chủ đề tuyên truyền. Khi cần thiết phải mở rộng một khía cạnh nào đó, báo cáo viên phải lưu ý về thời lượng, dung lượng để trở về với chủ đề chính một cách hợp lý. Rèn luyện tốt kỹ năng này báo cáo viên sẽ tạo được sức lôi cuốn và phong cách riêng cho mình.

5. Cần bảo đảm các nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền trực tiếp

Dù buổi tuyên truyền trực tiếp không giống như các buổi học trong nhà trường, nhưng vẫn đòi hỏi phải có các nguyên tắc sư phạm. Vì mục đích cuối cùng là để người nghe hiểu rõ hơn, toàn diện hơn về những vấn đề mà người nói đã nêu ra. Để đạt được mục đích này báo cáo viên pháp luật phải luôn nhớ và vận dụng tốt cá nguyên tắc sau đây:

5.1. Liên hệ thực tế. Pháp luật luôn gắn liền với cuộc sống, một văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung cũng là để khắc phục những bất cập của nó với cuộc sống xã hội. Liên hệ thực tế trong tuyên truyền pháp luật trực tiếp giúp báo cáo viên đề cập đến những vấn đề người nghe quan tâm, qua đó sẽ làm cho cuộc nói chuyện trở nên sinh động hơn.

5.2. Tạo không khí tích cực trong buổi tuyên truyền. Từ việc liên hệ thực tế để đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, thu hút sự tập trung của người nghe, báo cáo viên nên lựa chọn những vấn đề đang được dư luận quan tâm để mọi người cùng chia sẻ. Đây chính là kỹ năng “làm mềm” đi sự “khô cứng” của của chữ nghĩa trong văn bản pháp luật, tạo sự hứng thú cho người nghe khi tiếp thu.

5.3. Nên có phương tiện để trình bày nội dung bằng hình ảnh. Khoa học - kỹ thuật đang hỗ trợ xã hội đang phát triển về mọi mặt. Trong tuyên truyền pháp luật trực tiếp cũng vậy, cần ứng dụng các thành tựu kỹ thuật hiện đại để nâng cao tính hiệu quả của nó theo đòi hỏi của xã hội. Phổ dụng nhất hiện nay là các loại máy chiếu được bán rộng rãi trên thị trường, một hỗ trợ tuyệt vời cho các báo cáo viên pháp luật. Dùng hình ảnh trực quan, sống động sẽ giúp báo cáo viên trong nhiều trường hợp không cần phải diễn giải nhiều mà hiệu quả tuyên truyền vẫn cao.

5.4. Hãy khuyến khích người nghe tự liên hệ thực tiễn. Pháp luật vốn từ cuộc sống mà ra, từ thực tiễn mà hình thành. Người làm luật thực hiện chức năng đưa cuộc sống vào pháp luật, báo cáo viên pháp luật thực hiện chức năng đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc liên hệ thực tế của báo cáo viên như đã nói ở phần trên, nên thực hiện như là những gợi mở cần thiết để người nghe tự liên hệ và nhìn thấy vấn đề ở tầm bao quát hơn, hiểu sâu hơn. Giúp người nghe tự liên hệ thực tiễn chính là cách làm cho họ nắm kỹ hơn và nhớ lâu hơn các quy định của pháp luật.

5.5. Chốt lại nội dung buổi tuyên truyền. Trách nhiệm không thể thiếu sót của một báo cáo viên pháp luật là chốt lại nội dung buổi tuyên truyền. Những vấn đề đã được trình bày cần khái quát lại bằng những điểm chính yếu mang tính trọng tâm, giúp người nghe nhận thức một cách đầy đủ, có hệ thống. Qua nội chung được chốt lại, một lần nữa báo cáo viên giúp người nghe loại bỏ một số tiếp nhận sai lầm có thể có trong quá trình nhận thức của mình tại buổi tuyên truyền./.

Đặng Văn & Thái Nguyên


Tin mới:
Các tin khác: